Khung Pháp Lý Thu Hồi Nợ Ở Việt Nam
Trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc phát sinh những khoản nợ xấu là điều không thể tránh khỏi. Việc giải quyết, thu hồi những khoản nợ xấu luôn là vấn đề mà các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp thường vận dụng những quy định của pháp luật hiện hành vào quá trình thu hồi nợ của mình. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng nắm được đầy đủ các quy định của pháp luật và vận dụng các quy định này vào quá trình thu hồi nợ một cách linh hoạt và có hiệu quả. Vì vậy, bài viết với chủ đề “Khung pháp lý về việc thu hồi nợ ở Việt Nam” sẽ giúp người đọc, đặc biệt là các doanh nghiệp có thể có cái nhìn tổng quan về các quy định của Việt Nam, từ đó xây dựng cho doanh nghiệp một quy trình thu hồi nợ theo đúng quy định của pháp luật và đảm bảo việc thu hồi các khoản nợ một cách hiệu quả, nhanh chóng và hợp pháp.
Hình thức kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Trước đây, khi nghĩ về “Khung pháp lý về việc thu hồi nợ ở Việt Nam”, đa số doanh nghiệp sẽ tìm đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ đòi nợ để tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc thu hồi các khoản nợ xấu. Hình thức này được ưa chuộng bởi thủ tục pháp lý đơn giản, doanh nghiệp không cần tự mình thực hiện, chỉ giám sát và theo dõi tiến độ thu hồi nợ. Do đó, việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ phát triển bùng nổ trong thời gian dài và trở thành lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp. Theo Luật Đầu tư 2014, kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Tuy nhiên, trước những biến tướng và hậu quả không thể kiểm soát của ngành dịch vụ này, kể từ ngày 01/01/2021, ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị đưa vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư 2020. Như vậy, có thể thấy rằng hiện nay, doanh nghiệp không thể thu hồi nợ thông qua các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Thay vào đó, doanh nghiệp có thể tìm đến các công ty luật chuyên về mảng thu hồi nợ để tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc thu hồi các khoản nợ xấu của doanh nghiệp mình bởi công ty luật có đội ngũ nhân sự gồm luật sư và chuyên viên pháp lý am hiểu các quy định của pháp luật và dày dặn kinh nghiệm trong việc xử lý các khoản nợ.
Một số phương án thu hồi nợ hợp pháp và quy trình thực hiện
Tùy thuộc tình hình thực tế của mỗi doanh nghiệp, việc thu hồi nợ cũng có những điểm khác biệt và không thể có công thức chung áp dụng tất cả doanh nghiệp. Sau đây là một số phương án trong bài viết “Khung pháp lý về việc thu hồi nợ ở Việt Nam” mà chúng tôi đề cập để doanh nghiệp có thể cân nhắc lựa chọn.
Một số phương án thu hồi nợ tiền tố tụng
Bước đầu, doanh nghiệp có thể cân nhắc tiến hành một số phương án được xem là “nhẹ nhàng, linh hoạt” nhằm duy trình mối quan hệ hữu nghị của các bên. Theo đó, doanh nghiệp có thể xem xét áp dụng các phương thức sau đây để yêu cầu bên nợ thanh toán trước khi tiến hành khởi kiện:
- Đàm phán, thương lượng: Doanh nghiệp có thể dùng các phương thức liên lạc như email, tin nhắn, điện thoại để nhắc nhở khoản nợ của họ đã gần đến thời hạn cuối cùng phải thanh toán. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể hỏi thêm về thời gian cụ thể bên nợ có thể thanh toán, hẹn ngày gặp mặt để tìm hiểu lý do trong trường hợp chưa thể trả nợ, tìm phương án thu hồi nợ khác (nếu có).
Doanh nghiệp cần lưu ý, bất kỳ cuộc đàm phán, thương lượng nào cũng nên lập thành văn bản với chữ ký xác nhận của các bên. Đồng thời, trong quá trình đàm phán, thương lượng, nếu có sự thay đổi về các nội dung khác với thỏa thuận, giao dịch từ trước như phương thức thanh toán, thời gian thanh toán… cũng cần được ghi nhận và lập thành văn bản để đảm bảo giá trị pháp lý.
- Gửi thư yêu cầu thanh toán nợ: Doanh nghiệp có thể gửi thư yêu cầu thanh toán nợ cho bên nợ. Đây được xem là phương thức thích hợp để thể hiện được thái độ vừa mềm mỏng vừa cứng rắn. Thư yêu cầu thanh toán nợ cũng là căn cứ để doanh nghiệp tiến hành khởi kiện, xác định thời hiệu khởi kiện và tạo lợi thế cho doanh nghiệp khi cung cấp hồ sơ, chứng cứ cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Thay đổi phương thức thanh toán nợ: Mỗi bên nợ đều có những đặc điểm, khả năng thanh toán, mô hình hoạt động khác nhau, do đó việc áp dụng cách tiếp cận giống nhau, cụ thể là việc thanh toán bằng tiền cho mọi trường hợp không phải lúc nào cũng là phương án hiệu quả và phù hợp. Doanh nghiệp có thể tận dụng các dịch vụ của bên nợ, tài sản hoặc chia nhỏ các khoản nợ để tạo điều kiện cho bên nợ có khả năng thanh toán. Để thực hiện điều này, doanh nghiệp cần phân loại bên nợ dựa trên các yếu tố như sơ bộ về tình hình tài chính, mối quan hệ hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp, mức độ trễ thanh toán của các giao dịch trước đây để có thể xác định đối tượng có khả năng trả nợ cao nhất và nhóm nợ đang gặp khó khăn tài chính tạm thời hoặc có thể bị giải thể, không còn có thể hoạt động, từ đó phát triển các chiến lược hiệu quả trong quá trình thu hồi nợ phù hợp với nhu cầu và khả năng của từng nhóm nợ, tăng hiệu quả thu hồi nợ và giảm chi phí phải bỏ ra trong quá trình thu hồi nợ.
Tiến hành khởi kiện tại các cơ quan tài phán có thẩm quyền
Một trong những phương án không thể thiếu của chủ đề “Khung pháp lý về việc thu hồi nợ ở Việt Nam” và được xem là bước gần như cuối cùng mà doanh nghiệp buộc thực hiện để thu hồi nợ là khởi kiện tại các tòa án có thẩm quyền hoặc trung tâm trọng tài theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thời gian thực hiện tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể có thể kéo dài từ 06 tháng đến 12 tháng hoặc hơn. Mặc dù việc khởi kiện đòi nợ có thể tốn nhiều thời gian, chi phí trong việc chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, sự can thiệp của cơ quan tài phán có tác động mạnh mẽ đến tâm lý bên nợ giúp thúc đẩy quá trình thu hồi nợ cho doanh nghiệp.
Trong quá trình tố tụng, doanh nghiệp có quyền yêu cầu toà án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như (i) phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước (ii) phong tỏa tài sản của bên có nghĩa vụ hoặc (iii) cấm xuất cảnh để tránh việc bên nợ tẩu tán tài sản hoặc xuất cảnh để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.
Mặc dù cơ quan tài phán đã ra bản án, quyết định có hiệu lực và có lợi cho chủ nợ, nhưng không phải bên nợ nào cũng tự nguyện thi hành bản án, quyết định đó. Doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành án bản án/quyết định đó. Đối với tố tụng tại tòa án, trước khi tiến hành phiên xét xử sơ thẩm, tòa án tiến hành hòa giải để chủ nợ và bên nợ thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Trong trường hợp các bên đã hòa giải thành nhưng bên nợ không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quyết định của tòa án về việc công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, chủ nợ có thể yêu cầu cơ quan thi hành án thực hiện các biện pháp theo quy định pháp luật để yêu cầu bên nợ thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án để tránh trường hợp bên nợ tẩu tán tài sản và không có khả năng trả nợ theo bản án.
Doanh nghiệp cần lưu ý rằng biện pháp khởi kiện để thu hồi nợ tại cơ quan tài phán chỉ nên được áp dụng sau khi đã có đầy đủ các chứng cứ pháp lý cần thiết, có liên quan để cơ quan tài phán xem xét và thụ lý yêu cầu khởi kiện của mình. Do đó, trong quá trình khởi kiện và giải quyết tranh chấp tại cơ quan tài phán, doanh nghiệp nên cân nhắc thuê luật sư để tư vấn, hỗ trợ và đại diện cho mình.
Yêu cầu thủ tục phá sản
Doanh nghiệp có thể cân nhắc phương án nộp đơn yêu cầu mởi thủ tục phá sản đối với bên nợ. Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.[1] Theo đó, chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.[2] Khi doanh nghiệp lựa chọn thực hiện thủ tục này, doanh nghiệp nên lưu ý rằng, tài sản của của bên nợ sẽ được ưu tiên thanh toán cho chi phí phá sản, khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, các khoản bảo hiểm trả cho người lao động, sau đó mới tới các khoản nợ có đảm bảo, các khoản nợ không có đảm bảo.
Trên thực tế có nhiều bên nợ có đầy đủ khả năng thanh toán, nhưng do nhiều nguyên nhân không chịu thanh toán (do hai bên chưa thống nhất về công nợ, đề xuất bỏ lãi phạt không được các bên thống nhất), hoặc không thể thanh toán tại thời điểm bị đòi nợ (do chưa thu hồi được khoản nợ khác để có dòng tiền trả nợ). Vì vậy, phương án yêu cầu mở thủ tục phá sản này không nên được sử dụng vì nó có thể dẫn tới hậu quả là doanh nghiệp bị khởi kiện bị ảnh hưởng về uy tín, thiệt hại trên thực tế và càng làm giảm khả năng trả nợ của bên nợ. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp lớn, như các công ty đại chúng, dù khoản nợ không đáng kể so với nguồn tài sản hiện hữu, nhưng khi rơi vào tình huống bị khởi kiện yêu cầu mở thủ tục phá sản (dù sau đó, tòa án có chấp thuận yêu cầu hay không), thì thiệt hại sẽ là rất lớn. Doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi lựa chọn phương án này để thu hồi nợ.
Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến Khung pháp lý về việc thu hồi nợ ở Việt Nam mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.
[1] Điều 4.2 Luật Phá sản 2014.
[2] Điều 5.1 Luật Phá sản 2014.