debt-recovery-dispute

Giải Quyết Tranh Chấp Thu Hồi Nợ

Thu hồi nợ là quá trình chủ nợ thu hồi khoản tiền cho vay, tiền bán hàng hóa, hay cung cấp dịch vụ chưa được thanh toán đầy đủ và đúng hạn. Việc thu hồi nợ là vấn đề phức tạp và nhạy cảm, vì có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai bên nếu không được giải quyết một các hiệu quả. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, các tranh chấp thu hồi nợ phát sinh ngày một nhiều, do các bên không tìm được tiếng nói chung về phương thức thanh toán. Qua bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp một cái nhìn tổng quan về các phương pháp Giải Quyết Tranh Chấp Thu Hồi Nợ và đi sâu vào hai phương pháp giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải tại Tòa án và trọng tài để giải quyết tranh chấp thu hồi nợ một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Các phương pháp Giải Quyết Tranh Chấp Thu Hồi Nợ

Giải Quyết Tranh Chấp Thu Hồi Nợ có thể được thực hiện thông qua nhiều phương thức khác nhau, tùy thuộc vào tình hình cụ thể và thỏa thuận giữa các bên. Dưới đây là một số phương thức phổ biến để Giải Quyết Tranh Chấp Thu Hồi Nợ:

Thương lượng:

Khi phát sinh khoản nợ quá hạn, các bên liên quan có thể gặp gỡ, thương lượng trực tiếp với nhau để tìm ra giải pháp thỏa đáng cho cả hai bên mà không cần đến sự can thiệp của bên thứ ba. Việc gặp gỡ trao đổi trực tiếp sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ về tình hình tài chính của bên nợ, từ đó xây dựng được kế hoạch trả nợ hợp lý, cân bằng quyền lợi của hai bên.

Khi các bên đã được sự đồng thuận về khoản nợ, về phương thức trả nợ, việc lập biên bản ghi nhận lại toàn bộ dung nội dung thỏa thuận là vô cùng quan trọng. Biên bản này cần nêu rõ các điều khoản về khoản nợ, thời gian và hình thức thanh toán. Cần bảo đảm rằng mọi thỏa thuận đều được lập thành văn bản và có chữ ký của các bên để làm chứng cứ pháp lý.

Phương thức thương lượng thường được các doanh nghiệp sử dụng vì đơn giản, không tốn kém và không bị ràng buộc bởi những thủ tục pháp lý phức tạp. Tuy nhiên bởi vì đặc tính không bị ràng buộc nên phương thức này chỉ đạt được hiệu quả nếu các bên có sự thiện chí, trung thực.

tranh-chap-thu-hoi-no-1

Bài viết liên quan: Dịch Vụ Thu Hồi Nợ Phổ Biến Tại Việt Nam

Hòa giải

Hòa giải thông qua bên trung gian thứ ba là giải pháp giải quyết tranh chấp thu hồi nợ mà các bên thường tìm đến khi không thể tìm được giải pháp có thể trung hòa được lợi ích của các bên.

Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải để hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp. Hòa giải viên thương mại là những người có trình độ, có chuyên môn về luật, có hiểu biết về tập quán kinh doanh, thương mại. Do đó, các hòa giải viên thương mại sẽ giúp các bên hiểu rõ về bản chất tranh chấp, và tìm được phương án giải quyết tranh chấp thu hồi nợ một cách hiệu quả.

Ưu điểm của phương pháp này có tính bảo mật, giúp các bên trong tranh chấp duy trì mối quan hệ kinh doanh. Tuy nhiên do chỉ là việc hòa giải do các bên tự dàn xếp, các thỏa thuận, cam kết về việc xử lý khoản nợ không có tính chất ràng buộc các bên, việc một bên vi phạm nghĩa vụ là hoàn toàn có thể và khiến toàn bộ quá trình hòa giải trở nên vô nghĩa. Để kết quả hòa giải thành có tính ràng buộc, các bên cần yêu cầu Tòa án có thẩm quyền công nhận theo thủ tục tố tụng dân sự.

Giải Quyết Tranh Chấp Thu Hồi Nợ tại Tòa án hoặc Trọng tài:

Tòa án

Khác với việc hòa giải ngoài Tòa án, phương pháp giải quyết tranh chấp thu hồi nợ thông qua hòa giải tại Tòa án là một phần trong quá trình chuẩn bị xét xử theo thủ tục tố tụng dân sự:

  • Để tiến hành giải quyết tranh chấp bằng phương pháp này, một trong các bên có tranh chấp phải nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp liên quan đến khoản nợ và đơn khởi kiện phải được Tòa án thụ lý giải quyết.
  • Tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải trong quá trình chuẩn bị xét xử, các đương sự sẽ tiến hành thỏa thuận để giải quyết các vấn đề trong vụ án như số nợ tồn đọng, phương thức thanh toán. Trong trường hợp các bên đạt được thỏa thuận giải quyết toàn bộ khoản nợ, Thẩm phán lập biên bản hòa giải thành, nếu trong vòng 07 ngày từ ngày lập biên bản, không đương sự nào thay đổi ý kiến của mình, Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

So với phương pháp thương lượng và hòa giải ngoài Tòa án, việc hòa giải tại Tòa án có những ưu, nhược điểm sau:

  • Ưu điểm: Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự sẽ có hiệu lực pháp luật ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và có thể yêu cầu thi hành ngay lập tức. Với sự hỗ trợ của Tòa án với vai trò trung gian, các bên có thể nhanh chóng đạt được giải pháp chung giải quyết tranh chấp thu hồi nợ.
  • Nhược điểm: Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được toàn bộ nội dung tranh chấp, tranh chấp sẽ được tiếp tục giải quyết cho đến khi Tòa án ban hành quyết định/bản án giải quyết tranh chấp, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp giữa các bên. Với nguyên tắc xét xử công khai, toàn bộ nội dung tranh chấp, thông tin của các bên sẽ không được bảo mật. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp.
tranh-chap-thu-hoi-no-2

Bài viết liên quan: Các biện pháp bảo vệ quyền lợi của bên nợ và bên thu hồi nợ

Trọng tài

Khác với việc khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp liên quan đến khoản nợ, để tiến hành giải quyết tranh chấp tại cơ quan Trọng tài, các bên trước hết cần phải có thỏa thuận trọng tài theo các hình thức như:

  • Điều khoản quy định cơ quan giải quyết tranh chấp là cơ quan Trọng tài;
  • Hoặc các bên có thể ký một thỏa thuận riêng biệt, độc lập để lựa chọn cơ quan Trọng tài là cơ quan giải quyết tranh chấp liên quan đến khoản nợ.

Một trong những ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp tại Trọng tài là tính bảo mật. Do việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài không được tiến hành công khai (trừ khi các bên có thỏa thuận), những chủ thể không có quyền và nghĩa vụ liên quan đến tranh chấp sẽ không được quyền tham dự. Điều này giúp cho uy tín của các bên tranh chấp được đảm bảo.

Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu thực thi hành ngay mà không có kháng cáo, kháng nghị. Nguyên tắc này giúp cho việc giải quyết tranh chấp thu hồi nợ được giải quyết nhanh chóng, giúp các doanh nghiệp tăng khả năng thu hồi nợ, giảm bớt được thiệt hại phát sinh. Nhưng ưu điểm này cũng khiến các chủ thể tranh chấp có thể không thực sự yên tâm vì nếu phán quyết trọng tài sai, phán quyết đó vẫn có hiệu lực thi hành mà không có cơ hội sửa như bản án, quyết định của toà án. Mặc dù các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền hủy phán quyết trọng tài, tuy nhiên Tòa án sẽ không xem xét lại nội dung tranh chấp mà sẽ chỉ xem xét tính hợp pháp của trình tự, thủ tục tố tụng.

Một trong những hạn chế có thể khiến nhiều doanh nghiệp e ngại phương thức giải quyết tranh chấp thu hồi nợ bằng Trọng tài là chi phí khá cao so với mức án phí của Tòa án. Ngoài ra, nếu thắng kiện, người khởi kiện sẽ được Tòa án hoàn lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp ban đầu. Thủ tục hoàn tiền có thể mất nhiều thời gian nhưng chắc chắn sẽ được nhận lại. Trong khi đó, việc phân bổ chi phí trọng tài sẽ phụ thuộc vào Hội đồng trọng tài, và việc lấy lại chi phí trọng tài sẽ phụ thuộc vào khả năng tài chính của bên thua kiện. Điều này sẽ tạo áp lực tài chính lên các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Mỗi phương thức Giải Quyết Tranh Chấp Thu Hồi Nợ có những ưu điểm, nhược điểm và tính chất riêng. Sự lựa chọn phương thức Giải Quyết Tranh Chấp Thu Hồi Nợ sẽ tùy thuộc vào tính chất của mỗi khoản nợ, mối quan hệ với bên nợ, sự thiện chí của bên nợ đối với việc giải quyết khoản nợ, và tình hình tài chính của mỗi doanh nghiệp.

Trên đây là phân tích và lý giải chi tiết về các phương pháp Giải quyết tranh chấp thu hồi nợPhước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.