debt-collection-services

Dịch Vụ Thu Hồi Nợ Phổ Biến Tại Việt Nam

Thu hồi nợ là một hoạt động khó khăn, quá trình này không chỉ cần đến những chiến lược hiệu quả mà còn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật hiện hành. Nếu không thực hiện đúng cách, việc thu hồi nợ có thể dẫn đến vi phạm pháp luật, gây ra những hậu quả pháp lý nghiêm trọng và ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, có nhiều phương thức thu hồi nợ, tuy nhiên, về cơ bản, chúng được chia thành hai nhóm chính: thu hồi nợ đúng quy định pháp luật và thu hồi nợ trái pháp luật. Việc phân biệt rõ ràng giữa hai nhóm này là rất quan trọng để đảm bảo quá trình thu hồi nợ diễn ra an toàn và hiệu quả. Bài viết Dịch Vụ Thu Hồi Nợ Phổ Biến Tại Việt Nam sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin về các dịch vụ thu hồi nợ phổ biến, ưu và nhược điểm của từng phương thức, qua đó giúp doanh nghiệp có được sự lựa chọn phù hợp trong việc xử lý các khoản nợ khó đòi.

Công ty đòi nợ thuê

Công ty đòi nợ thuê là một hình thức dịch vụ mà nhiều doanh nghiệp và cá nhân đã tìm đến để giải quyết vấn đề nợ nần. Các công ty đòi nợ thuê thường sử dụng những phương pháp gây áp lực cao, thậm chí không ngần ngại liên kết với các thành phần giang hồ để đe dọa và uy hiếp con nợ. Họ dùng những biện pháp mạnh như đe dọa, gây áp lực tinh thần và thể chất, nhằm buộc con nợ phải thanh toán ngay lập tức. Mặc dù những phương pháp này có thể giúp thu hồi nợ nhanh chóng, nhưng lại tạo ra sự sợ hãi, căng thẳng và bất bình trong xã hội. Bên cạnh đó, hoạt động đòi nợ thường diễn ra rất khó kiểm soát, do đó các cơ quan chức năng thường xuyên gặp khó khăn trong việc xác định các đối tượng kinh doanh dịch vụ đòi nợ, cũng như việc chứng minh các hành vi trái pháp luật của các đối tượng này.

Chính vì những lý do này, kể từ khi Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực, kinh doanh dịch vụ đòi nợ được xếp vào ngành, nghề kinh doanh bị cấm. Hiện nay, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh có thể bị xử lý vi phạm hành chính từ từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi kinh doanh dịch vụ đòi nợ trái luật và bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm này[1]. Ngoài ra, nếu gây ra thiệt hại về sức khỏe, tính mạng con người hoặc thiệt hại về tài sản, những cá nhân trong công ty thu hồi nợ có thể chịu trách nhiệm hình sự tương ứng.

dich-vu-thu-hoi-no-1

Công ty mua bán nợ

Mua, bán nợ là thỏa thuận bằng văn bản về việc chuyển giao quyền đòi nợ đối với khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay, khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh, theo đó bên bán nợ chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ cho bên mua nợ và nhận tiền thanh toán từ bên mua nợ[2].

Trong đó, bên bán nợ là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay và khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh theo hợp đồng cấp tín dụng đã ký của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đang được theo dõi hạch toán nội bảng, ngoại bảng tại bảng cân đối kế toán hoặc đã xuất toán ra khỏi ngoại bảng của bên bán nợ và bên nợ có nghĩa vụ thanh toán tiền cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Bên mua nợ gồm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận hoạt động mua nợ, tổ chức khác và cá nhân dù là người cư trú hoặc người không cư trú[3].

Nhìn chung, mua, bán nợ là hình thức thay đổi chủ nợ, còn khoản nợ vẫn tồn tại. Tuy nhiên, không phải bất cứ khoản nợ nào cũng được mua, bán theo quy định nêu trên. Theo Điều 4 Thông tư 09/2015/TT-NHNN, các khoản nợ được mua, bán phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Hồ sơ, chứng từ và các tài liệu có liên quan của khoản nợ được mua, bán, hợp đồng bảo đảm (nếu có) do bên bán nợ cung cấp phải phản ánh đầy đủ, chính xác thực trạng khoản nợ theo đúng quy định của pháp luật.
  • Không có thỏa thuận bằng văn bản về việc không được mua, bán khoản nợ.
  • Khoản nợ không được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại thời điểm mua, bán nợ trừ trường hợp bên nhận bảo đảm đồng ý bằng văn bản về việc bán nợ.

Ở Việt Nam, thị trường mua bán nợ đang trong quá trình hình thành, do đó còn khá mới mẻ đối với cả người bán, người mua và cơ chế vận hành, quản lý của Nhà nước. Hiện nay chỉ có một số công ty mua, bán nợ như Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) của Bộ Tài chính thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, và một số công ty mua bán nợ tư nhân. Tuy nhiên, các công ty mua bán nợ tư nhân này chỉ hoạt động với vai trò tư vấn doanh nghiệp hoặc chỉ là các tổ chức cho vay nặng lãi, vay nóng trá hình. Tương tự như công ty thu hồi nợ thuê, những doanh nghiệp mua, bán nợ trá hình cũng sử dụng những cách thức không tuân theo quy định pháp luật, thậm chí bất chấp việc xâm phạm đến quyền, sức khỏe, tính mạng của bên nợ để thu hồi nợ.

Bài viết liên quan: CHIẾN LƯỢC THU HỒI NỢ

Sử dụng dịch vụ pháp lý thu hồi nợ của các tổ chức hành nghề luật sư

Sử dụng dịch vụ thu hồi nợ của công ty luật, văn phòng luật sự (sau đây gọi tắt là “công ty luật”) là một phương thức thu hồi nợ ngày càng được ưu tiên và được xem là biên pháp an toàn về mặt pháp lý, đảm bảo chất lượng. Hiện nay, các công ty luật thường thu hồi nợ thông qua hai bước là thương lượng và khởi kiện tại cơ quan giải quyết tranh chấp. Trước hết, công ty luật sẽ thay mặt các doanh nghiệp là chủ nợ liên hệ, làm việc và thương lượng với bên nợ về khoản nợ, tiến độ thanh toán và cam kết của bên nợ. Trong trường hợp bên nợ vi phạm cam kết về tiến độ thanh toán, chủ nợ sẽ có quyền khởi kiện bên nợ đến cơ quan giải quyết tranh chấp có thẩm quyền. Khi đó, sự thừa nhận của bên nợ về khoản nợ trong giai đoạn thương lượng sẽ rất hữu ích trong việc rút ngắn thời gian, công sức chứng minh yêu cầu khởi kiện của chủ nợ.

Một trong những ưu điểm nổi bật của phương thức này là việc công ty luật tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật, giúp bảo vệ quyền lợi của cả chủ nợ và con nợ. Họ có khả năng xây dựng các hồ sơ pháp lý vững chắc, thực hiện các thủ tục tố tụng và đàm phán, từ đó tăng cường khả năng thu hồi nợ và đảm bảo quá trình diễn ra một cách công bằng và minh bạch.

dich-vu-thu-hoi-no-2

Bài viết liên quan: Tác Động Kinh Tế Của Việc Không Thu Hồi Được Nợ

Dịch vụ thu hồi nợ trực tuyến áp dụng công nghệ

Dịch vụ thu hồi nợ trực tuyến áp dụng công nghệ là một phương thức mới nổi, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho các doanh nghiệp trong việc quản lý và thu hồi nợ. Phương thức này sử dụng các nền tảng trực tuyến và công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa quy trình thu hồi nợ, bao gồm việc sử dụng các công cụ và phần mềm tự động gửi thông báo nhắc nợ, theo dõi tình trạng các khoản nợ và phân tích dữ liệu để cải thiện hiệu quả thu hồi. Ví dụ, một công ty có thể sử dụng phần mềm quản lý nợ tự động như Debtor Daddy hoặc Collectly, giúp gửi nhắc nhở nợ qua email và tin nhắn, đồng thời theo dõi phản hồi của con nợ và cập nhật trạng thái nợ trong thời gian thực. Một trong những ưu điểm nổi bật của dịch vụ này là khả năng tiết kiệm thời gian và chi phí; công nghệ giúp giảm thiểu sự can thiệp thủ công và quản lý nợ hiệu quả hơn, đồng thời giảm chi phí liên quan đến việc xử lý nợ. Ngoài ra, dịch vụ trực tuyến cho phép doanh nghiệp tiếp cận các con nợ ở bất kỳ đâu, mở rộng khả năng thu hồi nợ ra ngoài các khu vực địa lý hạn chế, và cung cấp công cụ phân tích dữ liệu mạnh mẽ để điều chỉnh chiến lược thu hồi nợ kịp thời.

Tuy nhiên, dịch vụ thu hồi nợ trực tuyến có thể thiếu sự tương tác cá nhân cần thiết, đặc biệt trong các trường hợp khoản nợ lớn hoặc phức tạp đòi hỏi kỹ năng thương lượng và đàm phán trực tiếp của những người trực tiếp tham gia thu hồi nợ. Sự phụ thuộc vào công nghệ cũng tạo ra rủi ro liên quan đến bảo mật dữ liệu và các vấn đề kỹ thuật; nếu hệ thống gặp sự cố hoặc bị tấn công mạng, quá trình thu hồi nợ có thể bị gián đoạn nghiêm trọng. Hơn nữa, dịch vụ thu hồi nợ trực tuyến hiện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và phát triển, chưa được áp dụng rộng rãi, và có thể đối mặt với những thách thức trong việc triển khai và tích hợp vào quy trình thu hồi nợ hiện có. Do đó, mặc dù phương thức này mang lại nhiều tiềm năng, các doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng và theo dõi sự phát triển của dịch vụ để xác định xem nó có phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình hay không.

Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến Dịch Vụ Thu Hồi Nợ Phổ Biến Tại Việt NamPhước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.


[1] Điều 7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

[2] Điều 3.1 Thông tư 09/2015/TT-NHNN.

[3] Điều 3.3 và Điều 3.4 Thông tư 09/2015/TT-NHNN.