CHIẾN LƯỢC THU HỒI NỢ
Trong môi trường kinh doanh hiện đại, thu hồi nợ có thể được xem là hoạt động quan trọng và tất yếu của nhiều doanh nghiệp. Chiến lược thu hồi nợ không chỉ đơn thuần là việc đòi tiền từ khách hàng mà còn là một quá trình đòi hỏi sự cân nhắc cẩn trọng về mặt pháp lý nhằm đảm bảo không vi phạm các quy định pháp luật hiện hành và vẫn duy trì quan hệ kinh doanh với đối tác. Bài viết Chiến Lược Thu Hồi Nợ sẽ cung cấp cho bạn đọc những chiến lược thu hồi nợ hiệu quả, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu các rủi ro tài chính liên quan.
Quy định pháp luật về thu hồi nợ
Kể từ khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2021, ngành nghề “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ” đã được bổ sung vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Do đó, việc thu hồi nợ sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng 2010, hoạt động cho vay tín chấp chỉ được thực hiện bởi các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và tổ chức tài chính vi mô chịu sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Trong trường hợp bên cho vay là cá nhân, mối quan hệ vay mượn được điều chỉnh bởi các quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Ngoài ra, thu hồi nợ trong các giao dịch thương mại là hoạt động rất phổ biến hiện nay, phát sinh giữa việc thực hiện hợp đồng thương mại, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng xây dựng giữa các doanh nghiệp. Bản chất các khoản nợ này là tiền mua hàng hoặc chi phí dịch vụ mà bên có nghĩa vụ chậm thanh toán theo hợp đồng, do đó, Luật Thương mại 2005 và Bộ luật Dân sự 2015 là những văn bản pháp luật điều chỉnh phần lớn vấn đề này.
Bài viết liên quan: Thu hồi nợ cá nhân – Phương pháp tiếp cận khác biệt trong thu hồi nợ cá nhân
Chiến lược thu hồi nợ hiệu quả
Chuẩn bị cho việc thu hồi nợ
Trong giai đoạn chuẩn bị thu hồi nợ, bên cần thu hồi nợ cần thực hiện các bước đánh giá chi tiết về khoản nợ và khả năng thu hồi nợ của bên có nghĩa vụ để đảm bảo quá trình diễn ra hiệu quả và hợp pháp. Trước hết, bên cần thu hồi nợ phải xác định chi tiết khoản nợ, kiểm tra số tiền nợ gốc, thời hạn thanh toán, nợ lãi và thời gian chậm trả, từ đó tính toán tổng số nợ cần thu hồi. Đồng thời, bên cần thu hồi nợ cũng phải chuẩn bị đầy đủ các hợp đồng, hóa đơn, chứng từ và bằng chứng khác chứng minh cho từng khoản nợ gốc.
Bên cạnh đó, tìm hiểu về tình hình tài chính hiện tại của bên nợ để đánh giá khả năng thu hồi nợ là bước tất yếu trước khi tiến hành việc thu hồi công nợ. Theo đó, bên cần thu hồi nợ có thể xác minh điều kiện tài chính của bên nợ là doanh nghiệp thông qua các nguồn thông tin công khai như trang web của công ty, các bài báo, báo cáo thường niên, và các tài liệu khác được công bố công khai hoặc kiểm tra thông tin tài sản thế chấp trên Cục Đăng Ký quốc gia giao dịch bảo đảm và tình trạng tín dụng của cá nhân tổ chức trên trang web Trung tâm Thông tin Tín Dụng Quốc gia.
Ngoài ra, bên cần thu hồi nợ cũng cần lưu ý đến thời hiệu khởi kiện bên nợ đến cơ quan giải quyết tranh chấp có thẩm quyền để đảm bảo quá trình thương lượng, làm việc không vượt quá thời hiệu này.
Nhắc nợ qua điện thoại và gửi thư yêu cầu thanh toán
Nhắc nợ qua điện thoại và gửi thư nhắc nhở là các phương pháp phổ biến và ít tốn kém nhất trong quá trình thu hồi nợ. Theo quy định tại Thông tư 18/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, các công ty tài chính phải tuân thủ quy định về số lần nhắc nợ tối đa là 5 lần/ngày, và chỉ thực hiện trong khoảng thời gian từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối. Các công ty không được sử dụng các biện pháp đe dọa đối với khách hàng, và không được gửi thông tin về việc thu hồi nợ tới tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ. Do đó, các chiến lược nhắc nợ cần được thực hiện một cách chuyên nghiệp, lịch sự và trong phạm vi pháp luật cho phép.
Đối với các doanh nghiệp cần thu hồi khoản nợ phát sinh từ giao dịch kinh doanh thương mại, việc liên hệ với bên nợ bằng văn bản là phương thức chính thức và chuyên nghiệp hơn gọi điện thoại. Thư yêu cầu thanh toán có thể được sử dụng làm chứng cứ trong trường hợp có tranh chấp để chứng minh bên có quyền đã thực hiện quyền yêu cầu thanh toán.
Gia hạn thời gian thanh toán và kế hoạch trả góp
Để hỗ trợ các khách hàng gặp khó khăn tài chính, doanh nghiệp có thể áp dụng chính sách gia hạn thời gian thanh toán mà không áp dụng lãi suất cho thời gian chậm trả. Chính sách này giúp khách hàng có thêm thời gian để sắp xếp tài chính và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với doanh nghiệp. Đối với các khoản nợ lớn, các bên có thể lập biên bản thỏa thuận về kế hoạch trả góp, cho phép bên nợ chia nhỏ khoản thanh toán thành nhiều đợt trong một khoảng thời gian nhất định. Thỏa thuận này sẽ là chứng cứ quan trọng chứng minh sự thừa nhận khoản nợ của bên nợ và cam kết tiến độ thanh toán.
Miễn giảm tiền lãi chậm trả
Doanh nghiệp có thể áp dụng chính sách miễn giảm tiền lãi chậm trả hoặc giảm lãi suất vay cho những bên nợ cam kết thực hiện kế hoạch thanh toán đã thỏa thuận. Chính sách này có tác dụng khuyến khích, thúc đẩy bên nợ không bị áp lực về tiền lãi tăng dần và tuân thủ kế hoạch thanh toán. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể hợp tác với các tổ chức tài chính để cung cấp các khoản vay ngắn hạn cho bên nợ đang gặp khó khăn tài chính. Khoản vay này giúp bên nợ có nguồn tiền để thanh toán nợ đúng hạn mà không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ.
Bài viết liên quan: So sánh và đối chiếu: Thu hồi nợ cá nhân vs. Thu hồi nợ doanh nghiệp
Khởi kiện vụ án yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán
Khi việc thu hồi nợ bằng phương thức thương lượng, làm việc không đạt hiệu quả, bên cần thu hồi nợ có thể đưa tranh chấp ra giải quyết tại cơ quan giải quyết tranh chấp có thẩm quyền như Tòa án hoặc Trọng tài thương mại. Để đảm bảo việc tuân thủ quy trình pháp luật về tố tụng, áp dụng hiệu quả quy định pháp luật nội dung và thu thập các chứng cứ có giá trị, bên cần thu hồi nợ có thể sử dụng dịch vụ của các công ty luật bên ngoài.
Như vậy, để thực hiện hiệu quả việc thu hồi nợ, cá nhân, tổ chức cần tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành nhằm tránh các rủi ro pháp lý và bảo vệ quyền lợi của mình. Đồng thời, việc áp dụng các chiến lược linh hoạt và hiệu quả các biện pháp nêu trên sẽ tối ưu hóa quy trình thu hồi nợ và duy trì mối quan hệ tích cực với khách hàng.
Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến Chiến Lược Thu Hồi Nợ mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.