3 Giai Đoạn Thu Hồi Nợ

Trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc phát sinh những khoản nợ xấu là điều không thể tránh khỏi. Tùy vào khả năng và điều kiện của mỗi doanh nghiệp, cách thức và quy trình thu hồi nợ sẽ khác nhau.

Thực tế cho thấy, việc tiến hành đòi nợ của các doanh nghiệp không dễ dàng và có khả năng dẫn đến việc suy giảm khả năng kinh doanh, thiếu vốn và nhiều rủi ro pháp lý. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng loay hoay với việc quản lý và thu hồi nợ do các vướng mắc từ phía bên nợ, do không nắm được quy trình thu hồi nợ hiệu quả hoặc do không nắm được quy định của pháp luật. Vì vậy, bài viết với chủ đề “3 giai đoạn thu hồi nợ tại Việt Nam” dựa trên kinh nghiệm của chúng tôi khi tham gia tư vấn, giải quyết các vụ việc tương tự, sẽ giúp người đọc, đặc biệt là các doanh nghiệp có thể tiếp cận và tìm ra quy trình phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi doanh nghiệp nhằm đảm bảo thu hồi các khoản nợ một cách hiệu quả và nhanh chóng.

I. Quản lý nợ của doanh nghiệp

    Trước khi tiến hành việc thu hồi nợ, một trong những bước đầu tiên của “Các giai đoạn thu hồi nợ tại Việt Nam” là quản lý nợ. Việc này được hiểu là quá trình kiểm soát và điều phối các hoạt động liên quan đến quá trình thu nợ của một tổ chức hoặc doanh nghiệp. Thông thường, Phòng Tài chính/Phòng Kế toán/Phòng Nhân sự/Phòng Pháp lý sẽ phụ trách chính trong quy trình quản lý và thu hồi nợ. Nhiệm vụ chính trong giai đoạn này là giám sát, ghi chép mọi giao dịch hợp tác, kinh doanh; lưu trữ, thu thập các tài liệu liên quan đến giao dịch đồng thời đánh giá và thống kê các khoản nợ phải để đảm bảo tình hình tài chính của doanh nghiệp luôn ổn định.

    II. Các giai đoạn thu hồi nợ

      Dựa vào việc hợp tác kinh doanh, việc thu hồi nợ của mỗi doanh nghiệp cũng có những điểm khác biệt và không thể có công thức chung áp dụng tất cả doanh nghiệp. Nhìn chung, “Các giai đoạn thu hồi nợ tại Việt Nam” bao gồm 3 bước: (i) Xác định và đánh giá nợ; (ii) Lập kế hoạch và triển khai thu hồi nợ; (iii) Đánh giá và cải tiến quy trình thu hồi nợ.

      Dưới đây là một số phân tích của chúng tôi đối với mỗi “giai đoạn thu hồi nợ tại Việt Nam” để doanh nghiệp cân nhắc và áp dụng:

      1. Xác định và đánh giá nợ

      xac-dinh-danh-gia-no

        Đây được xem là bước quan trọng nhất trong “Các giai đoạn thu hồi nợ tại Việt Nam”. Bởi lẽ, việc xác định nợ của một bên nào đó được coi là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp nắm được số tiền nợ cần thu hồi và cân nhắc thực hiện phương án thu hồi nợ thích hợp. Theo đó, doanh nghiệp cần theo dõi, đối chiếu, rà soát khoản nợ bao gồm cả các khoản phạt và/hoặc lãi chậm trả của các bên nợ. Thông thường, việc này sẽ được thực hiện định kỳ, hàng tuần/hằng tháng tùy theo yêu cầu của mỗi doanh nghiệp để tránh hoặc giảm thiểu rủi ro tối đa về sai sót và nhầm lẫn số liệu.

        Sau khi xác định được khoản nợ, doanh nghiệp thực hiện việc đánh giá mức độ rủi ro của từng khoản nợ đối với tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Một số tiêu chí phân loại mà các doanh nghiệp thường áp dụng như: giá trị của khoản nợ, thời gian nợ đã quá hạn, khả năng thanh toán, nhóm khách hàng,… Mỗi khoản nợ có thể được phân loại thành các nhóm rủi ro khác nhau, từ thấp đến cao, và từ đó áp dụng các biện pháp thu hồi tương ứng. Các báo cáo đánh giá công nợ sẽ là cơ sở để xây dựng các kế hoạch tài chính vững chắc, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn lực và giảm thiểu tổn thất.

        2. Lập kế hoạch và tiến hành thu hồi nợ

        Được xem là giai đoạn khó khăn và đầy thách thức nhất trong “Các giai đoạn thu hồi nợ tại Việt Nam”, việc lập kế hoạch và tiến hành thu hồi nợ luôn là mối quan tâm hàng đầu của mỗi doanh nghiệp.

        (i) Giai đoạn lập kế hoạch

        Sau khi có được kết quả từ việc xác định và đánh giá nợ, doanh nghiệp lập kế hoạch thu hồi nợ. Hành động này yêu cầu doanh nghiệp phải cẩn thận và chi tiết để đảm bảo rằng quá trình thu hồi nợ được tiến hành một cách có tổ chức và có hiệu quả.

        Doanh nghiệp cần xác định mục tiêu thu hồi nợ cho mỗi đối tượng, Mục tiêu này sẽ được cân nhắc dựa trên tình hình tài chính của doanh nghiệp, tiềm năng thu hồi của bên nợ đối với từng khoản nợ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đưa ra một thời hạn cụ thể, hợp lý cho việc thu hồi từng khoản nợ ứng với mỗi hành động trong từng thời điểm. Đối với mỗi khoản nợ, doanh nghiệp cần chỉ định nhân sự chịu trách nhiệm thu hồi, giúp đảm bảo rằng có sự theo dõi và giao tiếp liên tục với bên nợ. Cuối cùng, doanh nghiệp cân nhắc và thông nhất lựa chọn phương pháp thu hồi phù hợp với từng trường hợp cụ thể

        (ii) Tiến hành thu hồi nợ

        Trong “Các giai đoạn thu hồi nợ tại Việt Nam”, đây là giai đoạn khó khăn nhất đối với mỗi doanh nghiệp. Bởi lẽ, việc triển khai phương án thu hồi nợ chịu tác động bởi nhiều yếu tố, bao gồm việc cân nhắc khả năng tài chính doanh nghiệp, mối quan hệ hợp tác giữa các bên, khả năng thanh toán, giá trị khoản nợ. Thông thường, các doanh nghiệp thường có xu hướng đi từ các biện pháp “nhẹ nhàng” như giao tiếp, nhắc nhở, đàm phán, thương lượng đến các biện pháp “mạnh” như khởi kiện hoặc nhờ sự can thiệp pháp lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam. Trong giai đoạn bắt đầu tiến hành thu hồi nợ, doanh nghiệp có thể cân nhắc triển khai một số phương án như sau:

        • Đàm phán, thương lượng: Doanh nghiệp có thể dùng các phương thức liên lạc như email, tin nhắn, điện thoại để làm việc với bên nợ. Nếu bên nợ vẫn không có bất động thái nào thanh toán sau đó, doanh nghiệp nên chủ động sắp xếp một buổi làm việc trực tiếp với bên nợ để có thể trao đổi về những vấn đề liên quan đến khoản nợ.
        • Gửi thư yêu cầu thanh toán: Văn bản yêu cầu thanh toán là phương thức thích hợp để thể hiện được thái độ vừa mềm mỏng vừa cứng rắn của doanh nghiệp, cũng là căn cứ để doanh nghiệp tiến hành, xác định thời hiệu khởi kiện và tạo lợi thế trong việc cung cấp chứng cứ tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
        • Áp dụng các biện pháp bảo đảm (bảo lãnh, thế chấp, ký quỹ….): Phương án này được thực hiện đối với giao dịch có giá trị lớn hoặc doanh nghiệp đánh giá khả năng trả nợ của bên nợ không cao.
        • Khởi kiện: Khởi kiện được xem là biện pháp cuối cùng để áp dụng trong “Các giai đoạn thu hồi nợ tại Việt Nam” khi bên nợ không có khả năng trả nợ hoặc không có thiện chí thanh toán khoản nợ. Mặc dù việc khởi kiện đòi nợ có thể tốn nhiều thời gian, chi phí trong việc chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, sự can thiệp của cơ quan tài phán có tác động mạnh mẽ đến tâm lý bên nợ giúp thúc đẩy quá trình thu hồi nợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng biện pháp khởi kiện để thu hồi nợ tại cơ quan tài phán chỉ nên được áp dụng sau khi (i) doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp giải quyết khác với bên nợ nhưng không thành công và (ii) doanh nghiệp đã có đầy đủ các chứng cứ pháp lý cần thiết, có liên quan để cơ quan tài phán xem xét và thụ lý yêu cầu khởi kiện của mình. Do đó, trong quá trình khởi kiện và giải quyết tranh chấp tại cơ quan tài phán, doanh nghiệp nên cân nhắc thuê luật sư để tư vấn, hỗ trợ và đại diện cho mình.
        • Yêu cầu phá sản đối với bên nợ: Theo quy định, chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Trước khi lựa chọn phương án này, doanh nghiệp nên lưu ý rằng, tài sản của của bên nợ sẽ được phân chia theo thứ tự theo quy định của pháp luật và các khoản nợ không có đảm bảo sẽ được xem xét thanh toán cuối cùng.

        3. Đánh giá, cải tiến quy trình thu hồi nợ

        Để kết thúc “Các giai đoạn thu hồi nợ tại Việt Nam”, doanh nghiệp cần thực hiện đánh giá toàn bộ quy trình thu hồi nợ. Điều này bao gồm việc xem xét tỷ lệ thành công, thời gian trung bình, chi phí liên quan đến quy trình thu hồi nợ. Phân tích này giúp xác định được những điểm mạnh, điểm yếu của quy trình thu hồi nợ, từ đó giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn lực và chiến lược thu hồi nợ.

        Từ những thông tin thu thập được, doanh nghiệp sẽ phân tích, đánh giá và triển khai các cải tiến trong quy trình thu hồi nợ và chính sách doanh nghiệp, cũng như chiến lược kinh doanh đối với mỗi nhóm khách hàng của doanh nghiệp. Quá trình cải tiến này cần được xem xét như một chu trình liên tục, nơi mà quy trình và chính sách luôn được cập nhật để phản ánh thực tế kinh doanh và thị trường để tạo ra một hệ thống quản lý nợ linh hoạt, hiệu quả, nâng cao hiệu quả thu hồi nợ, giảm thiểu nợ xấu, duy trì mối quan hệ tốt với khách hàng. Đồng thời, điều này đảm bảo rằng quy trình thu hồi nợ đồng bộ với mục tiêu và chiến lược kinh doanh tổng thể của doanh nghiệp.

        Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến “Các giai đoạn thu hồi nợ tại Việt Nam” mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.