KHÍA CẠNH PHÁP LÝ CỦA VIỆC THU HỒI NỢ Ở VIỆT NAM
Với sự phát triển mạnh mẽ của của nền kinh tế và sự gia tăng các giao dịch vay mượn, thu hồi nợ đã trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh và đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề nhạy cảm và phức tạp do thường liên quan đến những hành vi trái đạo đức và xâm phạm quyền lợi của các bên liên quan, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của họ. Chính vì vậy, khía cạnh pháp lý của việc thu hồi nợ ở Việt Nam đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nó không chỉ giúp đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả trong quá trình thu hồi nợ, mà còn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ và con nợ.
Bài viết dưới đây sẽ đi sâu vào phân tích khía cạnh pháp lý của việc thu hồi nợ ở Việt Nam, giúp bạn đọc có cái nhìn rõ ràng và toàn diện về những quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề này.
Bản chất pháp lý của hoạt động thu hồi nợ ở Việt Nam
Pháp luật Việt Nam đã nhìn nhận “hoạt động thu hồi nợ” dưới góc độ một dịch vụ, một ngành nghề kinh doanh. Hoạt động thu hồi nợ trước đây thường được hiểu gói gọn là hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, một ngành nghề kinh doanh từng được pháp luật cho phép thực hiện nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định cho đến khi bị cấm hoàn toàn khi Luật Đầu tư 2020 được ban hành. Tuy nhiên, thực chất, dịch vụ đòi nợ chỉ là một phần nhỏ trong hoạt động thu hồi nợ. Hiện nay, các chủ nợ có thể xem xét áp dụng một số cách thức bao gồm thương lượng, hoà giải, tố tụng tại tòa án hay mua bán nợ đều để thu hồi nợ thay cho việc sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê như trước đây.
Như vậy, có thể hiểu, việc thu hồi nợ về bản chất là hành vi dân sự hoặc hành vi thương mại, nhằm thực thi quyền và nghĩa vụ của các chủ thể phát sinh từ thỏa thuận dân sự hoặc thương mại, được xác định theo chủ thể thực hiện và mục đích của thỏa thuận đó. Ví dụ đối với thỏa thuận cho vay tiêu dùng thông thường giữa người quen, bạn bè, thu hồi nợ được coi là một hành vi dân sự; đối với hợp đồng cho vay giữa công ty tài chính và khách hàng hay hợp đồng mua bán giữa các thương nhân, thu hồi nợ được coi là một hành vi thương mại. Thu hồi nợ là quá trình các chủ thể hợp đồng thực thi quyền và nghĩa vụ của mình được ghi nhận trong hợp đồng hoặc theo quy định pháp luật, cụ thể là nghĩa vụ thanh toán của bên mua, trả nợ của bên vay và quyền nhận thanh toán của bên bán, quyền đòi nợ của bên cho vay.
Những khía cạnh của hoạt động thu hồi nợ được điều chỉnh bởi pháp luật
Để đảm bảo hoạt động thu hồi nợ nằm trong khuôn khổ pháp lý nhất định, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các chủ thể liên quan và giữ gìn trật tự xã hội, một số khía cạnh của hoạt động thu hồi nợ được đặt dưới sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam, trong đó bao gồm các khía cạnh chính như quyền và nghĩa vụ của chủ nợ và khách nợ, các biện pháp thu hồi nợ hợp pháp, hậu quả pháp lý của hành vi thu hồi nợ bất hợp pháp.
Bài viết liên quan: Giải Quyết Tranh Chấp Thu Hồi Nợ
Quyền và nghĩa vụ của chủ nợ và khách nợ
Hầu như các hợp đồng mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, cho thuê, cho vay hay chuyển nhượng quyền đều phát sinh nghĩa vụ thanh toán của bên mua hoặc bên nhận dịch vụ khi đến hạn theo thỏa thuận. Các hợp đồng này thường quy định rõ nghĩa vụ thanh toán, bao gồm thời điểm thanh toán và các chế tài khi vi phạm như phạt vi phạm hợp đồng hoặc lãi chậm trả. Nếu bên có nghĩa vụ thanh toán không thực hiện đúng hoặc đủ theo thời hạn thoả thuận, bên nhận thanh toán có quyền yêu cầu bên kia thanh toán đầy đủ số tiền phải trả cùng với lãi chậm trả (nếu có).
Đối với các tranh chấp thu hồi nợ liên quan đến các giao dịch dân sự, pháp luật dân sự Việt Nam quy định rõ rằng bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu bên vi phạm hợp đồng trả thêm lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Các bên có thể thỏa thuận về lãi suất phát sinh do chậm trả tiền nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền chậm trả, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Nếu các bên không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về lãi suất thì mức lãi suất phát sinh sẽ không quá 10%/năm của khoản tiền chậm trả tại thời điểm trả nợ[1].
Đối với các tranh chấp thu hồi nợ liên quan đến các hợp đồng thương mại, luật thương mại quy định rằng trong trường hợp các bên không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác, bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu bên vi phạm hợp đồng thanh toán tiền lãi trên số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả[2].
Trong trường hợp bên thanh toán không thực hiện nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận tại hợp đồng, các bên trong giao dịch có thể phát sinh tranh chấp và khoản tiền phải trả có thể trở thành nợ, với một bên là chủ nợ và bên kia là khách nợ, dẫn đến hoạt động thu hồi nợ. Khi đó, chủ nợ có thể khởi kiện khách nợ tại tòa án có thẩm quyền. Cùng với đó, khách nợ có quyền yêu cầu chủ nợ cung cấp thông tin chính xác về khoản nợ, yêu cầu cung cấp tài liệu chứng minh khoản nợ, và có quyền yêu cầu chủ nợ cùng giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải hoặc tòa án.
Các biện pháp thu hồi nợ hợp pháp
Thu hồi nợ là một quá trình phức tạp, nhạy cảm và đòi hỏi phải tuân thủ đúng các quy định pháp luật để đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, pháp luật đã quy định rõ ràng các biện pháp thu hồi nợ hợp pháp để chủ nợ và khách nợ có thể thực hiện mà không xâm phạm đến quyền, lợi ích chính đáng của bên còn lại.
Khi đến hạn mà khách nợ không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, chủ nợ có thể gửi thư nhắc nhở hoặc tổ chức các cuộc họp thương lượng, hoà giải. Trường hợp có quá nhiều bất đồng, chủ nợ và khách nợ có thể nhờ bên thứ ba đứng ra làm trung gian để đạt được sự thống nhất về phương án thanh toán.
Trường hợp các bên trong tranh chấp đã thực hiện thương lượng, hoà giải nhưng không đạt được thỏa thuận chung, chủ nợ có thể nộp đơn kiện, yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và ban hành quyết định, bản án buộc khách nợ phải thanh toán khoản nợ. Khi bản án, quyết định của toà án hoặc các cơ quan có thẩm quyền đã phát sinh hiệu lực, khách nợ bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho chủ nợ theo nội dung của bản án, quyết định này. Nếu khách nợ tiếp tục cố tình không trả nợ, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định đã có hiệu lực thì chủ nợ có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án và thực hiện thi hành án bản án, quyết định này. Trong quá trình này, cơ quan thi hành án sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế như kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngân hàng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Quá trình thương lượng, hoà giải, khởi kiện tại tòa án hay yêu cầu thi hành án để thu hồi nợ đòi hỏi trải qua thời gian dài với nhiều thủ tục pháp lý phức tạp. Bởi vậy, các dịch vụ pháp lý hỗ trợ thu hồi nợ sẽ là một giải pháp hữu hiệu cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu thu hồi nợ.
Ngoài các biện pháp trên, mua, bán nợ cũng là một lựa chọn mà các chủ nợ có thể cân nhắc. Mua, bán nợ trong quan hệ dân sự thông thường được hiểu là hoạt động chuyển nhượng phần tài sản đặc biệt là các “khoản nợ phải thu” từ đối tượng này sang đối tượng khác. Về bản chất, đó là việc bán lại “quyền thu hồi nợ” từ một “khoản nợ phải thu” của chủ nợ đối với khách nợ sang cho bên mua nợ để bên mua nợ trở thành chủ nợ mới của khách nợ.[3] Đây là một phương án khá an toàn khi có thể thu hồi được phần lớn số nợ mà không kéo dài thời gian, tốn nhiều công sức hay phát sinh thêm nhiều chi phí liên quan khác. Mua, bán nợ cũng là một hoạt động phát sinh từ nghiệp vụ cho vay của các tổ chức tín dụng, được hiểu là thỏa thuận bằng văn bản về việc chuyển giao quyền đòi nợ đối với khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay, khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh, theo đó bên bán nợ chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ cho bên mua nợ và nhận tiền thanh toán từ bên mua nợ.[4] Trong quan hệ mua bán nợ này, bên bán nợ là tổ chức tín dụng, bên mua nợ là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức, cá nhân khác.
Bài viết liên quan: Dịch Vụ Thu Hồi Nợ Phổ Biến Tại Việt Nam
Hậu quả pháp lý của hành vi thu hồi nợ bất hợp pháp
Thu hồi nợ vốn dĩ là hoạt động thiết yếu trong đời sống kinh tế tuy nhiên thường xuyên bị đặt dưới góc nhìn tiêu cực do nhiều chủ nợ lựa chọn thực hiện các hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tinh thần của khách nợ để thu hồi nợ. Tất cả hành vi tiêu cực này đều là hành vi vi phạm pháp luật và chủ thể thực hiện sẽ phải gánh chịu các hậu quả pháp lý tương ứng bao gồm: chủ nợ có thể bị:
- truy cứu trách nhiệm hình sự: Nếu chủ nợ sử dụng bạo lực, đe dọa sử dụng bạo lực, đe dọa tinh thần, bôi nhọ danh dự hoặc quấy rối khách nợ bằng nhiều hình thức để ép họ trả nợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh như cố ý gây thương tích[5], cưỡng đoạt tài sản[6] hay gây rối trật tự công cộng[7]; hoặc
- xử phạt vi phạm hành chính: Nếu chủ nợ thực hiện thu hồi nợ mà có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc gây rối trật tự công cộng mà mang theo các công cụ có khả năng sát thương thì chủ nợ có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.[8] Chủ nợ có hành vi thu hồi nợ bằng cách đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất, đá, cát hoặc vật khác vào nhà ở, nơi ở, vào người, đồ vật, tài sản của người khác thì chủ nợ có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.[9] Bên cạnh đó, nếu các tổ chức tín dụng thực hiện việc thu lãi nợ quá hạn, thu nợ khoản vay bị quá hạn không đúng quy định pháp luật thì các tổ chức này có thể bị xử phạt hành chính từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng[10]; và/hoặc
- trách nhiệm dân sự: Nếu tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi thu hồi nợ trái pháp luật và các hành vi này gây ra tổn thất về sức khỏe, tinh thần cho khách nợ thì các tổ chức, cá nhân này có thể phải bồi thường thiệt hại cả về thể chất lẫn tinh thần cho nạn nhân.
Như phân tích ở trên, mặc dù pháp luật cho phép chủ nợ có quyền thu hồi nợ nhưng cũng ngăn cấm những hành vi thu hồi nợ xâm phạm đến quyền, lợi ích cơ bản của khách nợ. Vì vậy, các chủ nợ cần thực hiện việc thu hồi nợ theo đúng quy định pháp luật.
Khía cạnh pháp lý của việc thu hồi nợ bao gồm nhiều yếu tố, từ bản chất pháp lý của việc thu hồi nợ, quyền và nghĩa vụ của chủ nợ và khách nợ, cách thức thu hồi nợ hợp pháp đến các biện pháp xử lý khi phát sinh hành vi đòi nợ trái phép. Các bên liên quan đến hoạt động thu hồi nợ cần phải xem xét toàn diện các khía cạnh pháp lý của việc thu hồi nợ để đảm bảo tuân thủ pháp luật. Việc thu hồi nợ một cách hợp pháp không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi kinh tế của các bên liên quan, làm cho quá trình thu hồi nợ diễn ra suôn sẻ, minh bạch và công bằng mà còn giúp duy trì trật tự xã hội, xây dựng niềm tin trong quan hệ vay mượn và hợp tác kinh doanh, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến Khía cạnh pháp lý của việc thu hồi nợ ở Việt Nam mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.
[1] Điều 357 và Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015
[2] Điều 306 Luật thương mại 2005
[3] ThS. Đào Mai Phương, “Thị trường mua bán nợ Việt Nam: Thực trạng và chính sách phát triển”, Cổng Thông tin Điện tử Bộ Tài Chính
https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=BTC264684
[4] Khoản 1 Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-NHNN
[5] Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017
[6] Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017
[7] Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017
[8] Điều 7.5.(a), (b) Nghị định 144/2021/NĐ-CP
[9] Điều 7.4.(e) Nghị định 144/2021/NĐ-CP
[10] Điều 3.3.(b) và Điều 14.3.(đ),(e) Nghị định 88/2019/NĐ-CP